Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
Rate this post

Để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử cho các doanh nghiệp trong hệ thống chính trị, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập Trung tâm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong giai đoạn vừa qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập Trung tâm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm đã phát huy được khả năng và đã cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đến nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, theo Nghị định của Chính phủ, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã được thành lập trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), việc từng bước xây dựng chính phủ điện tử đã trở nên tất yếu tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước đang từng bước được cụ thể hóa bằng các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, dự án và các chương trình trọng điểm quốc gia về ứng dụng CNTT.
Cùng với chủ trương đó, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử, với cốt lõi là hệ thống chứng thực điện tử là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Chứng thực chữ ký số đang là giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm bí mật, xác thực và toàn vẹn dữ liệu trong các giao dịch điện tử phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ, đảm bảo quốc phòng – an ninh và các hoạt động kinh tế  – xã hội. Hầu hết các quốc gia có nền kinh tế, công nghệ phát triển và mức độ sẵn sàng của Chính phủ điện tử cao (Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Malaysia…) đều đã ứng dụng chứng thực điện tử một cách đồng bộ và rộng rãi.
Giao dịch thực hiện qua mạng được bảo đảm an toàn sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, điện tử hóa quy trình làm việc, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử. Các giao dịch truyền thống dựa trên các văn bản giấy chỉ được thay thế bằng các giao dịch điện tử khi chứng thực điện tử và chữ ký số được thừa nhận về mặt pháp lỵ́ và an toàn về mặt công nghệ.
Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số
Hệ thống chứng thực điện tử (CA) chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ thiết lập được đảm bảo an toàn mức độ cao, hoạt động theo quy trình chặt chẽ quy định tại Thông tư 05/2010/TT-BNV và cung cấp các dịch vụ: Công bố chứng thư số và danh sách hủy bỏ; Cấp dấu thời gian (TSA); Kiểm tra chứng thư trực tuyến (OCSP). Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp sử dụng khóa mật mã có độ an toàn cao.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ đã bước đầu đáp ứng tốt nhu cầu về ứng dụng và triển khai chữ ký số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, thể hiện trên một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Tổ chức, quản lý, duy trì và bảo đảm hoạt động của hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ: Đã tổ chức và thiết lập hệ thống hạ tầng cung cấp dịch vụ cho hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị một cách có hệ thống, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, cho phép dễ dàng mở rộng phạm vi khi có nhu cầu; Duy trì và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hoạt động an toàn.
Đảm bảo cung cấp, quản lý chứng thư số phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị trên phạm vi toàn quốc: Đã cung cấp, cấp lại 25.000 chứng thư số cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, tổ chức sử dụng hệ thống CA do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị trong quá trình sử dụng chứng thư số.
Tư vấn và cung cấp dịch vụ chứng thư số cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tích hợp chữ ký số và giải pháp bảo mật thông tin vào các ứng dụng công nghệ thông tin. Tham gia hỗ trợ các cơ quan Đảng và Nhà nước tích hợp chữ ký số và bảo mật vào trong các hệ thống thông tin chuyên ngành như: Các cơ quan Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông,… và một số địa phương trong cả nước; tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, đào tạo, bàn giao cho người sử dụng chữ ký số.
Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng và triển khai chữ ký số: Từ năm 2013, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước tại các đầu mối Bộ, ngành và địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ban hành văn bản số 217/BCY, ngày 23/4/2013 hướng dẫn các cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, tạo cơ sở thuận lợi cho các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương ứng dụng hiệu quả chứng thư số.
Những kết quả đạt được
Thời gian vừa qua, việc triển khai hệ thống CA chuyên dùng chính phủ đã đạt được những kết quả sau đây:
– Hạ tầng kỹ thuật hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ đã đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết, trước mắt của các Bộ, ngành và địa phương. Các giao dịch thực hiện qua mạng được đảm bảo an toàn, tin cậy, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, cải cách hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị. Một số cơ quan nhà nước đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp, công tác điều hành tác nghiệp qua mạng được cải thiện rõ rệt, giảm văn bản giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí.
– Việc đảm bảo cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số trong cơ quan nhà nước ở các cấp đã được triển khai theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật. Ban Cơ yếu Chính phủ đã đáp ứng kịp thời việc cung cấp, đảm bảo chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cho nhu cầu của các cơ quan nhà nước.
– Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số đã được từng bước nâng cao, thông qua việc tổ chức các Hội thảo tầm quốc gia và tại các địa phương, đào tạo trực tiếp tại các cơ quan sử dụng, qua đó đã tác động thúc đẩy việc ứng dụng và triển khai hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ.
Bên cạnh những thành công bước đầu thì công tác triển khai ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp vẫn gặp phải không ít khó khăn:
– Nhận thức chung về vai trò của hệ thống CA trong việc đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin chưa cao, chưa đầy đủ, nên nhiều cơ quan nhà nước các cấp chưa chủ động xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án triển khai chữ ký số trong lộ trình ứng dụng CNTT chung của cơ quan, đơn vị mình. Hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ trong thời gian qua mới chỉ phục vụ cho một số lượng nhỏ người sử dụng, mà chưa triển khai ứng dụng rộng rãi và đồng bộ. Đã có một số cơ quan nhà nước tự xây dựng CA chuyên dùng dùng riêng, gây ra sự không thống nhất trong triển khai ứng dụng chữ ký và  lãng phí.
– Mặc dù giá trị pháp lý của chữ ký số đã được pháp luật thừa nhận, song tâm lý của người sử dụng vẫn chưa thực sự yên tâm sử dụng chữ ký số thay thế hoàn toàn chữ ký tay và con dấu thông thường. Mặt khác, hiện nay, các văn bản pháp lý của nhà nước chưa quy định rõ trong trường hợp nào và với loại văn bản nào cần áp dụng chữ ký số, nên việc ứng dụng và triển khai hiện nay chưa phát huy hết được các tính năng an toàn và bảo mật của hệ thống chứng thực chữ ký số.
– Các phần mềm ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước các cấp đa dạng về mặt nghiệp vụ và công nghệ, nên việc áp dụng chữ ký số vào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là quá trình phối hợp với đơn vị phát triển phần mềm để tích hợp ứng dụng chữ ký số.
Kết luận
Hiện nay, nhu cầu triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các sản phẩm bảo mật thông tin trong các ứng dụng CNTT của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên phạm vi toàn quốc đã gia tăng đột biến. Do vậy, hạ tầng chứng thực điện tử cần phải được phát triển mở rộng để đáp ứng những yêu cầu về quy mô, năng lực phục vụ, công nghệ và khả năng phát triển bền vững.
Việc phát triển mở rộng hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ, đảm bảo tính thống nhất trong giao dịch điện tử của hệ thống chính trị, phải đảm bảo tính đồng bộ và chuyên nghiệp. Cần có sự phối hợp giữa Ban Cơ yếu Chính phủ với các cơ quan, Bộ, ngành và các địa phương thuộc hệ thống chính trị trong việc quản lý hệ thống và tác nghiệp chuyên môn. Bên cạnh đó, tính pháp lý của giao dịch điện tử sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử và chữ ký số phải được công nhận rộng rãi.
Để khắc phục những khó khăn, thực hiện thành công những yêu cầu nêu trên, trong thời gian trước mắt và lâu dài, cần phát triển mở rộng hạ tầng chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ với các công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang tầm thế giới, có khả năng phòng chống thảm họa.
Việc xây dựng một hạ tầng nền tảng đủ năng lực để đáp ứng toàn bộ các nhu cầu cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và bảo mật thông tin trong các ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng là một yêu cầu thực sự cấp bách để thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ nhiệm vụ: “Khẩn trương phát triển và nâng cao năng lực Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị”.